Có cần phải đọc sách không?

Đừng bao giờ đọc chỉ để giải trí. Đọc những gì có thể khiến bạn thông minh hơn, ít định kiến hơn, hiểu biết những hành động điên rồ của bạn bè và bản thân bạn tốt hơn. Hãy chọn những quyển sách khó, những quyển khiến bạn phải tập trung hết mức khi đọc.

– John Waters

Khi tôi gặp gỡ các bạn trẻ, có bạn nói với tôi: “Theo em, không cần đọc sách”. Tôi bảo: “Rất đúng, tôi cực kỳ ủng hộ, nếu như các bạn không đọc sách mà vẫn có thể trưởng thành, trở thành người có kiến thức, thành đạt và có văn hóa. Nếu như những điều tôi vừa kể không có điểm nào nằm trong mục đích sống của bạn, thì chả việc gì phải đọc”.

Nhưng vấn để là giả thiết sau chữ “nếu như” đó hiếm khi xảy ra. Ít nhất, tôi không tin như thế. Người ta có thể sống không màng kiến thức, không thích thành đạt, thậm chí không cần có văn hóa, nhưng chẳng ai mong mình mãi mãi không trưởng thành. Nhưng để trưởng thành, họ lại cần có kiến thức, không hẳn thành đạt nhưng cũng đạt được thành tích gì đó và hẳn nhiên rất cần trau dồi văn hóa.

Tôi không phải là người đầu tiên nói ra điều này: đọc một cuốn sách giống như được nói chuyện với những người trong hoặc đằng sau trang sách. Chúng ta không có điều kiện gặp trực tiếp Aristotle, Platon, Hồ Chí Minh… nhưng lại có thể “nói chuyện” với họ. Điều đó chẳng phải rất thú vị sao?

Tất cả câu chuyện về những người thành công trong cuộc sống, những vĩ nhân… đều không thể thiếu quá trình đọc sách, quá trình họ thu lượm kiến thức, những bài học thành công và thất bại từ người khác. Tôi phải nhấn mạnh cụm từ “không thể thiếu”. Mở cuốn sách ra, bạn sẽ được “gặp gỡ” những con người của quá khứ, những người không còn sống hoặc chẳng dễ gì để chúng ta tiếp xúc, với những bài học thành công và thất bại tuyệt vời của họ.

Tất nhiên không phải ai cũng có thể trở thành vĩ nhân, nhưng không thành vĩ nhân không có nghĩa là chúng ta chấp nhận là người tầm thường, có lẽ ai cũng hiểu rằng đi theo con đường của những vĩ nhân không có nghĩa là ta cũng có thể đến đích giống họ.

Mỗi cuốn sách lại có một phiên bản khác nhau trong cảm nhận và cách tiếp nhận của từng người đọc, dù đôi khi sai khác rất ít ỏi. Sai khác đó nằm ở tố chất của mỗi người đọc. vì thế chúng ta hầu như không thể “đọc nhờ sách” qua cảm nhận của người khác mà vẫn có được thu nhận giống y như họ.

Với tôi, đọc là để tìm điểm chung giữa mình và mọi người, cũng lại để tìm điểm khác giữa mình và mọi người. Nói cách khác là biết mình hòa nhập ở đâu và khác biệt ở đâu. Cả hai sự tìm tòi đều có vai trò quyết định trong việc khám phá hai thứ vô cùng quan trọng với đời người, lại luôn gắn chặt với nhau: cá nhân mình và cá nhân mình trong cộng đồng.

Nguyễn Cảnh Bình

Khu vực này chỉ dành cho thành viên, bạn vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký thành viên.


Chia sẻ với bạn bè nếu bạn thấy hữu ích!

Mời bạn tham gia bình luận

Tặng bạn cuốn eBook: "Để không MẤT thêm một KHÁCH HÀNG nào nữa"