Lời chào và ấn tượng cá nhân

Đặt chân đến đất nước hình chiếc ủng Italia tươi đẹp, tôi bị choáng ngợp bởi tháp nghiêng Pisa, thành phố Rome, Venice… và món spaghetti tuyệt hảo. Tuy nhiên dư âm đọng lại sâu sắc trong tâm trí tôi về đất nước này chính là lời chào.

Lời chào tiếng Ý viết là “Ciao”, cách phát âm tương đối giống tiếng “Chào” của Việt Nam. Những người tôi gặp trên đường, từ bác bảo vệ, đến cô nhân viên phục vụ… họ đều nhìn tôi và mỉm cười nói: “Ciao”. Tôi cũng không ngại ngần đáp lại bằng chính âm thanh vui vẻ đó.

Bước vào tiệm café, ba bốn cô cậu nhân viên đồng thanh: “Ciao ciao”, khách hàng cũng hân hoan: “Ciao ciao”. Câu chào hỏi vui tai ấy khiến tôi bất giác mỉm cười và có thể vui vẻ suốt cả ngày.

Ở đất nước xa xôi ấy, người ta cất tiếng chào với cả người lạ. Thế nhưng, ngay tại đất nước mình, một lời chào chân tình với những người xung quanh phải chăng đang dần xa xỉ? Lời chào bị chặn lại sau những cánh cửa khép chặt, những toà nhà chọc trời, cánh cửa kính ô tô… Chúng ta thờ ơ, đánh rơi lời chào hỏi với hàng xóm, đồng nghiệp, người lớn tuổi, bác bảo vệ, cô lao công…

Lời chào có từ bao giờ? Không ai biết cũng không ai quan tâm. Tôi chỉ biết nó là thói quen, là biểu hiện cho sự lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng và quan tâm lẫn nhau của mỗi người. Hay ở một tầm vĩ mô hơn, lời chào chính là lịch sử, nhân văn, giá trị văn hóa của cả dân tộc.

Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện về giá trị không tưởng của lời chào. Một nữ công nhân làm việc tại nhà máy chế biến đông lạnh. Một ngày nọ, cô bị kẹt trong phòng đông lạnh. Cô la hét, đập cửa hy vọng có người tới cứu nhưng toàn bộ nhà máy đều yên tĩnh. Đến khi cô thực sự tuyệt vọng và chắc chắn rằng mình sẽ chết cóng ở đây trước khi có người phát hiện ra thì tiếng cánh cửa phòng đông lạnh nặng nề mở ra. Người bảo vệ đã đi tìm cô. Cô gái hỏi người bảo vệ tại sao lại biết mình ở trong đó để đến mở cửa. Ông đáp: “Ở đây hằng ngày có hàng trăm công nhân ra vào. Cô là người duy nhất ngày nào cũng chào và tạm biệt tôi. Sáng sớm cô còn nói ‘Cháu chào bác!’ Nhưng khi tan làm, tôi không nghe tiếng cô: ‘Tạm biệt bác, hẹn ngày mai gặp lại!’ Tôi quyết định đi vào trong xưởng xem thế nào. Tôi nghe thấy tiếng đập cửa và tìm thấy cô.”

Tuổi thơ tôi đầu trần chân đất, long nhong chạy theo các ông tây bà tây balo, miệng reo ầm ĩ “Hello! Hello!” chỉ mong nhận lại những nụ cười, cái vẫy tay từ những con người xa lạ. Chúng ta bây giờ lại “ki bo” với nhau ngay cả một lời chào. Đã bao lâu bạn không cất tiếng chào một cách nhiệt thành, thân mật? Hay chỉ còn những tiếng chào gượng gạo, xã giao? Hoặc thậm chí giả tảng, cúi gằm xuống mặt đất và lướt qua những người xung quanh?

Mục đầu tiên của cuốn sách bạn đang cầm trên tay với tựa đề “Lời chào và ấn tượng cá nhân” cũng chính là lời chào của tôi gửi tới bạn. Điều đầu tiên tôi muốn nhắn gửi tới bạn, thật giản đơn và chân thành, hãy mỉm cười và nói “Xin chào!”

Trích sách: 101 Điều Trường Học Chưa Bao Giờ… Dạy Bạn

Khu vực này chỉ dành cho thành viên, bạn vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký thành viên.


Chia sẻ với bạn bè nếu bạn thấy hữu ích!

Mời bạn tham gia bình luận

Tặng bạn cuốn eBook: "Để không MẤT thêm một KHÁCH HÀNG nào nữa"