Qua sông

Cách đây 26 năm tôi có viết một truyện dài dựa theo cuộc đời của anh thương binh Phan Thành Lợi. Đây là sáng kiến của bà Đỗ Duy Liên, lúc ấy là phó chủ tịch UBND Thành phố HCM.

Anh Lợi quê ở Củ Chi, là một thương binh bị cụt cả hai tay, hai chân. Lúc đó anh được cấp một căn hộ nhỏ trong “làng phế binh” Thủ Đức.

Tôi lui tới làm việc với anh trong vài tháng và viết xong một truyện dài lấy tên là Qua Sông. Tác phẩm được nhà xuất bản Văn Nghệ in năm 1986 với số lượng là 10.150 cuốn, khổ 13x19cm.

Hồi đó sách in bằng giấy đen, sần sùi, trông rất xấu xí, nhưng vẫn không đủ sách để mà bán.

Sau khi anh Lợi qua đời vì những thương tích cũ hành hạ, tôi gần như quên tác phẩm ấy, một phần vì tôi nghĩ đó chỉ là một cuốn sách viết theo đơn đặt hàng, và phần khác vì đề tài “cách mạng” không còn được độc giả quan tâm nữa, do những tác động quá tệ hại của guồng máy tham nhũng ngoài xã hội.

Hai mươi bốn năm sau, trong lúc nhàn rỗi, tình cờ đọc lại “Qua Sông”, tôi không thể ngờ rằng trong quá khứ mình đã từng tiếp xúc với một anh du kích Củ Chi lạ lùng như vậy, đã từng viết về một cuộc tình đau đớn như vậy.

Tôi từng xem những phim chiến tranh thuộc loại tầm cỡ của điện ảnh Mỹ như “Giải cứu binh nhì Ryan”, “Huyền thoại mùa Thu”, “Cuốn theo chiều gió”, “Trung đội”…nhưng chưa từng thấy nhân vật nào có số phận nghiệt ngã như anh Phan Thành Lợi, chưa từng thấy có chiến trường nào bi thảm như chiến trường Củ Chi khi phải hứng chịu những trận bom rải thảm của máy bay B52 trong trận càn Cedar Falls đẫm máu đầu năm 1967.

Đọc lại Qua Sông, tôi chợt “ngộ” ra một điều, đó là: cuộc chiến vừa qua không phải là cuộc chiến của những người đang cầm quyền hiện nay ở Việt Nam, mà là cuộc chiến của những người lính đã chết ngoài mặt trận, của những thương binh như Phan Thành Lợi, của những cô giao liên dũng cảm như Huệ, của những bà mẹ thui thủi chờ mong con bên ánh đèn dầu, của những đôi lứa yêu nhau đã phải chia lìa chỉ sau một trận đánh, của những trẻ thơ chết như rạ giữa đồng sau một trận pháo bầy.

Còn chúng ta, những người đang cướp bóc, đang giành giựt của cải và quyền lực… chỉ là một lũ ăn theo, một bọn dây máu ăn phần, một phường hôi của bần tiện.

Trong kháng chiến chống Mỹ, những người như anh Lợi cứ nghĩ rằng mình là “cộng sản” nhưng thực tế họ không hề biết chủ nghĩa cộng sản là gì. Ở các đô thị miền Nam cũng vậy: Có những trí thức trẻ đã đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam, thậm chí đã là đảng viên, nhưng vẫn không phải là một người cộng sản, vì không hề quan tâm đến triết học Mác-Lênin và cũng không muốn tìm hiểu nó.


Chia sẻ với bạn bè nếu bạn thấy hữu ích!

Mời bạn tham gia bình luận

Tặng bạn cuốn eBook: "Để không MẤT thêm một KHÁCH HÀNG nào nữa"