Mời bạn vào Group Zalo tặng eBooks miễn phí tại đây: https://zalo.me/g/aznvlu243

Người đọc sách có bạn hay không có bạn

Thứ thực sự hạ gục tôi là một cuốn sách mà khi bạn đọc xong, bạn mong ước tác giả của nó là một người bạn của bạn và bạn có thể gọi cho anh ta bất cứ lúc nào bạn muốn. Mặc dù vậy, mong ước đó không hay xảy ra lắm.”

— J.D. Salinger

Nhân vật chính trong văn của nhà văn Nhật Haruki Murakami hầu như đều có đặc điểm chung: rất cô độc, thích nấu ăn và rất thích đọc sách. Murakami mô tả họ như những người có đời sống nội tâm phong phú đến nồi át cả đời sống xã hội. Thậm chí, họ như sống hẳn trong thế giới nội tâm đó và chỉ thỉnh thoảng “ghé chơi” thế giới bên ngoài.

Thành đạt và lẫy lừng nhờ đọc sách thì chẳng có gì mới, nhưng bị cộng đồng cô lập vì suốt ngày chúi mũi vào sách cũng là một chuyện không lạ. Tôi cũng không hiểu nỗi mặc cảm của phe nào, phe hay đọc sách hay phe không hay đọc sách, mà những người đọc sách lại bị “quây” thành một nhóm riêng.

Ở Việt Nam, có nhiều kiểu cộng đồng mà người nào đọc sách nhiều một chút thì y như rằng trở thành thiểu số. Một vài người đọc sách gây cảm giác hơi gò mình, khép kín và không thân thiện. Nhưng đó là một ấn tượng sai. Tôi quả quyết với bạn rằng những ai gò mình, khép kín và không thân thiện thì nếu đọc nhiều hay ít sách, hay không hề đọc sách đi chăng nữa thì họ vẫn sẽ như vậy. Nói rõ hơn, đọc sách không ảnh hưởng đến việc người ta có bạn hay không có bạn.

Khi chơi trong một nhóm bạn bè, điều người ta dễ gặp là những sở thích riêng khác nhau, thậm chí rất khác nhau. Bởi vậy, thích đọc sách cũng chỉ là một trong số những sở thích riêng đó, có nơi nó phổ biên, có nơi lại không, nhưng chưa bao giờ thích đọc sách lại là một sở thích quá hiếm hoi và khác người, cũng chưa bao giờ là một sở thích thiếu lành mạnh đến nỗi phải tránh xa. Tôi sẽ rất lấy làm lạ, đồng thời vô cùng thất vọng, nếu thích đọc sách lại là điều hiếm hoi.

Người đọc sách còn bị “kỳ thị” vì cứ nói chuyện là trích dẫn câu nọ, câu kia trong sách. Từ bên ngoài nhìn vào, cư xử như vậy đậm chất sách vở và khó hiểu. Vấn đề ở đây là góc nhìn, với người trong cuộc (có đọc sách) thì những câu nói đó hoàn toàn dễ hiểu. Một khi bạn đọc, nhớ và yêu thích thì câu nọ, cầu kia sẽ tự động chui vào đầu bạn như một phần của chính bạn thôi (tất nhiên vẫn phải trích nguồn). Cũng như khi bạn xem phim và rất tâm đắc với một cảnh phim, một câu thoại thì tự động nó sẽ xuất hiện trong đầu bạn, chỉ chực thoát ra mỗi khi nói chuyện mà thôi.

Nguyễn Cảnh Bình

Chia sẻ là lan toả tình yêu với sách!