Đối phó với nỗi sợ ác mộng

Ác mộng là giấc mơ gồm những hình ảnh hãi hùng, nhưng lại chân thực và sống động đến mức có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Theo khảo sát ở nhiều quốc gia, khoảng 2 – 8% người lớn là nạn nhân thường trực của các cơn ác mộng.

LỌ MỌ ĐƯA TIN

Ác mộng được chia thành hai dạng. Dạng thứ nhất là ác mộng lặp đi lặp lại nhiều lần với cùng một cảnh giống nhau. Dạng thứ hai là gặp ác mộng mỗi lần một kiểu khác nhau.

Tuy các cơn ác mộng thường có nội dung ngẫu nhiên và phong phú, vẫn có một số hình ảnh chung nhất mà nhiều người gặp phải. Chẳng hạn, vài người kể rằng họ thường mơ thấy mình bị một thứ gì đó nguy hiểm hoặc đáng sợ rượt đuổi và không thể chạy thoát; hoặc nhiều người khác hay mơ thấy mình bị rơi từ trên cao xuống.

NGUYÊN NHÂN CỦA CƠN ÁC MỘNG

Nguyên nhân của cơn ác mộng rất đa dạng. Đó có thể là do trạng thái thể chất suy giảm, do căng thẳng tột độ, do trải qua các sang chấn tinh thần, trầm cảm; các biến cố như gặp tai nạn, trộm cướp; quá tức giận, đau khổ, vui sướng; sốt và bệnh tật, do tác dụng phụ của một vài loại thuốc… nhưng cũng có khi chỉ đơn giản là do thiếu ngủ hay trạng thái bất thường, không thoải mái khi ngủ, ăn quá sát giờ đi ngủ dẫn đến cung cấp nhiều năng lượng cho não làm não hoạt động tích cực hơn ngay cả khi ngủ…

Ngoài ra, việc tỉnh giấc giữa đêm thường khiến người gặp ác mộng mệt mỏi và cả ngày luôn nghĩ đến nó. Nỗi lo có thể gây ra nhiều cơn ác mộng về đêm hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn mà nhiều người chưa phá vỡ được.

BIỆN PHÁP ĐỐI PHÓ VỚI NỖI SỢ ÁC MỘNG

Ác mộng tuy đáng sợ nhưng hoàn toàn có thể chữa trị được. Để tránh các cơn ác mộng, điều đầu tiên là tránh các nguyên nhân gây ra ác mộng.

Điều trị những chứng bệnh liên quan

Nếu việc gặp ác mộng của bạn bắt nguồn từ hội chứng rối loạn giấc ngủ, việc điều trị những hiện tượng đó sẽ giúp bạn bớt gặp ác mộng.

Nếu chúng có liên quan tới chứng lo âu, căng thẳng hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), một số phương pháp trị liệu sẽ giúp giảm nhẹ những bệnh đó và giảm bớt những cơn ác mộng.

Một số loại thuốc như Prazosin thường được kê để giúp những bệnh nhân bị PTSD, rối loạn lo âu và hoảng sợ, đồng thời giảm bớt những cơn ác mộng.

Dù bởi nguyên nhân nào thì bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.

Ác mộng tuy đáng sợ nhưng hoàn toàn có thể chữa trị được. Để tránh các cơn ác mộng, điều đầu tiên là tránh các nguyên nhân gây ra ác mộng.

Khắc phục nguyên nhân do sử dụng thuốc

Bạn nên kiểm tra các thuốc đang dùng, vì một số loại thuốc chống trầm cảm và điều trị huyết áp có thể gây ra ác mộng. Nếu bạn gặp ác mộng do việc sử dụng thuốc, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để thay đổi toa thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng uống thuốc sao cho loại bỏ những tác dụng phụ không mong muốn.

Đôi khi, việc thay đổi liều dùng thuốc hoặc ngừng dùng thuốc có thể gây ra ác mộng. Trong trường hợp này, ác mộng sẽ giảm đi khi cơ thể bạn đã điều chỉnh được.

Cải thiện giấc ngủ

Ác mộng có thể gây ra hiện tượng thiếu ngủ, thiếu ngủ cũng có thể gây ra ác mộng. Vì thế, hãy tìm cách cải thiện chất lượng giấc ngủ để ngăn ngừa những cơn ác mộng.

Hãy giữ cho phòng ngủ luôn gọn gàng và sạch sẽ, đủ tối và không quá nóng hoặc quá lạnh. Giường ngủ phải dễ chịu. Hãy dùng thiết bị tạo ra âm thanh trắng (white noise) để chặn những âm thanh khó chịu khác. Phòng ngủ chỉ nên là nơi để ngủ. Làm việc trong phòng ngủ có thể gây ra căng thẳng.

Khiến cơ thể mệt mỏi bằng những bài tập thể dục là một cách tuyệt vời để cải thiện giấc ngủ. Hãy tìm ra một hoạt động mà bạn thích, dù là chạy bộ, rèn luyện sức bền, khiêu vũ, chèo thuyền hoặc leo núi và tập từ 3 – 5 lần một tuần. Lên kế hoạch tập luyện vào buổi sáng nếu có thể. Đừng tập thể dục vào lúc trước khi đi ngủ – việc đó sẽ khiến cơ thể bạn quá phấn khích.

Khiến cơ thể mệt mỏi bằng những bài tập thể dục là một cách tuyệt vời để cải thiện giấc ngủ.

Cắt giảm lượng caffein, đồ uống có cồn và nicotine. Những chất này sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn nên tốt nhất là hãy ngừng sử dụng, hoặc ít nhất là cắt giảm lượng tiêu thụ. Tránh uống, hút thuốc hoặc sử dụng caffein trong vòng từ 3 – 4 giờ trước khi đi ngủ.

Các liệu pháp tâm lý

Trước đây, các bác sĩ chuyên khoa thường động viên bệnh nhân kể lại những cơn ác mộng của họ. Kết hợp với các dữ liệu ngoài đời thật, họ giải mã nguyên nhân của các cơn ác mộng để tìm cách xua đuổi chúng hiệu quả.

Ngày nay, khoa học đã tìm ra một phương pháp mới đơn giản hơn. Đó là viết lại giấc mơ và thay đổi một phần. Nói một cách đơn giản, bạn tự tạo ra một kết thúc, biến ác mộng thành giấc mơ đẹp. Ác mộng sẽ thay đổi và dần dần biến mất.

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 70% người thử phương pháp này phản hồi kết quả rất tích cực. Ví dụ như một bệnh nhân mơ thấy mình bị cá mập tấn công. Họ viết lại giấc mơ và thay đổi cá mập thành cá heo. Khi gặp lại ác mộng trong giấc ngủ, những con cá mập cũng đổi thành cá heo.

Với những cơn ác mộng xuất phát từ các mối quan hệ, cách tốt nhất là cố gắng hàn gắn tình cảm. Hãy suy nghĩ vui vẻ, tích cực. Bạn có thể nghĩ về mọi điều bạn thích, ví dụ như: bạn là siêu anh hùng giải cứu thế giới, một diễn viên nổi tiếng hoặc đang có một kỳ nghỉ trong mơ. Bạn cũng có thể tập trung nghĩ về những mục tiêu của mình và mường tượng ra lúc bạn đạt được chúng, ví dụ như có một công việc mơ ước, đạt được cân nặng lí tưởng hoặc tìm được tình yêu đích thực của mình.

Những cơn ác mộng đến từ thực tế mất mát hoặc trắc trở sẽ rất khó biến mất. Nếu cơn ác mộng không chấm dứt sau một tháng, bạn nên đi khám sức khỏe.

Khu vực này chỉ dành cho thành viên, bạn vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký thành viên.


Chia sẻ với bạn bè nếu bạn thấy hữu ích!

Mời bạn tham gia bình luận